Làm việc lâu trong môi trường công sở, chúng ta sẽ rất dễ hình thành nhiều thói quen. Đó có thể là những điều tốt giúp cuộc sống, công việc trở nên suôn sẻ. Nhưng đó cũng có thể là những điều xấu khiến sự nghiệp thụt lùi. Vậy những thói quen khó bỏ nơi công sở nào thường thấy hiện nay? Cùng Blogvieclam.edu.vn tổng hợp nhé!
Bạn đang đọc: 9 thói quen khó bỏ nơi công sở – liệu bạn có đang mắc phải?
Bình phẩm về ngoại hình đồng nghiệp
Soi mói, bình phẩm về ngoại hình của đồng nghiệp có lẽ là thói quen của rất nhiều người tại môi trường công sở. Tuy nhiên, chính điều đó lại vô tình đẩy đồng nghiệp vào thế khó xử. Dù lời nhận xét của bạn mang tính tích cực hay tiêu cực thì người nghe cũng sẽ cảm thấy không thoải mái, họ dường như mất đi quyền riêng tư, bất kể sự khác biệt, thay đổi nào về diện mạo của họ cũng bị mang ra để bàn tán mỗi ngày. Và quan trọng, họ bị tổn thương vì chính ngoại hình của mình.
“Tọc mạch” những điều riêng tư
Hòa đồng, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp nơi công sở là điều rất đáng được hoan nghênh, khuyến khích. Bên cạnh công việc, các bạn có thể cùng trao đổi, sẻ chia những câu chuyện vui vẻ, thư giãn sau nhiều giờ làm việc căng thẳng. Thế nhưng, không phải ai cũng thoải mái, sẵn sàng chia sẻ những chuyện riêng tư của bản thân. Việc một số người có thói quen tọc mạch, cố tình đào sâu chuyện cá nhân của đồng nghiệp cũng là điều không hay và nó khiến cho mối quan hệ giữa đôi bên trở nên ngượng ngùng, khó xử.
Thể hiện tình cảm thái quá
Nơi công sở cũng rất dễ khiến bạn nảy sinh tình cảm đặc biệt với đồng nghiệp khác giới nào đó, thậm chí có thể phát triển thành mối quan hệ yêu đương. Lúc này, nhiều người có xu hướng thể hiện tình cảm công khai đến mức thái quá khiến mọi người xung quanh cảm thấy khó chịu, “chướng tai gai mắt”.
Thật vậy, dù tình cảm đôi bên có tốt đẹp, đằm thắm đến đâu nhưng nơi làm việc thì nên tế nhị, giữ khoảng cách nhất định. Điều đó không chỉ tốt cho công việc, sự nghiệp của những người “trong cuộc” mà còn duy trì được mối quan hệ tích cực, vui vẻ với đồng nghiệp trong công ty khi họ không còn phải chứng kiến những “bộ phim tình cảm” mỗi ngày.
Thường xuyên “dán” mắt vào điện thoại
Điện thoại di động có lẽ là thiết bị không thể thiếu, luôn theo sát chúng ta trong công việc cũng như cuộc sống. Thế nhưng, thói quen thường xuyên sử dụng, dán mắt vào điện thoại trong quá trình làm việc, họp hành hay nói chuyện với đồng nghiệp sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn. Cụ thể như là hiệu quả công việc giảm sút, không kịp deadline, không tập trung vào cuộc họp, câu chuyện với mọi người xung quanh,… Tất cả những điều này đều sẽ khiến bạn bị đánh giá thấp và tất nhiên, con đường phát triển, thăng tiến cũng sẽ không còn rộng mở.
Tìm hiểu thêm: Chứng Chỉ Hành Nghề Điều Dưỡng: Điều Kiện, Lệ Phí, Hồ Sơ Xin Cấp Chứng Chỉ 2024
Than vãn quá nhiều về chuyện đời tư
Bạn gặp phải chuyện không vui trong cuộc sống? Bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và than phiền với đồng nghiệp xung quanh về những vấn đề đó. Tuy nhiên, môi trường công sở sẽ có rất nhiều kiểu đồng nghiệp khác nhau, tốt có mà xấu cũng có. Bạn có chắc người bạn chia sẻ sẽ giữ kín bí mật hay không? Bạn có đảm bảo họ đang thật lòng chia buồn và an ủi, giúp đỡ bạn hay không?
Việc duy trì thói quen than vãn về chuyện đời tư không phải là điều tốt, thậm chí nó còn khiến bạn gặp phải không ít rắc rối nếu câu chuyện bị lan truyền ra cho nhiều người khác biết.
Xâm phạm khoảng cách an toàn
Hiện nay, việc gia tăng “văn phòng mở” mang lại nhiều lợi ích về sự gắn kết đồng nghiệp, cải thiện mối quan hệ nơi công sở nhưng cũng tồn tại những hạn chế nhất định, nhất là vấn đề về “khoảng cách an toàn”. Dù không muốn nhưng việc máy tính cá nhân được đặt sát nhau, nhiều người có thói quen nhìn ngang ngó dọc và sẽ không tránh khỏi việc vô tình/cố ý đọc được tin nhắn, chuyện riêng tư của đồng nghiệp bên cạnh. Đây là điều cấm kỵ và nó gây ảnh hưởng rất lớn đến công việc cũng như cuộc sống của mỗi người.
Mắc quá nhiều lỗi nhỏ nhặt
Môi trường công sở sẽ luôn có những quy định riêng dành cho nhân viên khi đi làm. Ví dụ như là không đi làm muộn, không phạm sai lầm trong quá trình làm việc, không vi phạm kỷ luật chung,… Thế nhưng, đối với một số trường hợp vô tình mắc phải, đôi khi công ty sẽ nhân nhượng và bỏ qua. Điều này lại càng khiến cho nhiều người hình thành thói quen “cố tình” mắc các lỗi nhỏ nhặt, họ cho rằng dù sao cũng được bỏ qua.
Thực tế, việc bạn được bỏ qua lỗi lầm sẽ không quan trọng bằng việc bạn bị đánh giá thấp về tác phong, thái độ làm việc. Chắc chắn một điều rằng sẽ không người sếp nào chấp nhận một nhân viên thường xuyên mắc lỗi và đưa lên làm leader, trưởng phòng,… hay tăng lương cả. Vậy nên, thói quen xấu này vô tình khiến cho sự nghiệp của bạn trở nên khó phát triển hơn.
Phao tin đồn thất thiệt
“Tin đồn nơi công sở” có lẽ là chuyện không còn quá xa lạ, thậm chí là diễn ra thường xuyên tại nhiều doanh nghiệp. Đây được xem là thói quen không tốt, những tin đồn không có thật được tung ra sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, cuộc sống của người trong cuộc. Thêm vào đó, bản thân người phao tin đồn cũng sẽ bị đánh giá thấp, không được mọi người tôn trọng hay tin tưởng.
>>>>>Xem thêm: Intern Marketing là gì? Cần chuẩn bị kiến thức, kỹ năng gì?
Gọi đồng nghiệp bằng tên thân mật
Với những người đồng nghiệp thân thiết, họ thích gọi nhau bằng biệt danh hay tên thân mật. Điều này không sai nhưng nó lại là thói quen xấu mà các bạn cần phải bỏ ngay.
Nếu ở trong không gian riêng của 2 người, gọi nhau như thế nào không quan trọng. Song nếu có mặt của các đồng nghiệp khác hay cấp trên, việc gọi nhau quá thân mật, gần gũi sẽ vô tình làm mất đi giá trị, sự uy tín của đối phương.
Có thể thấy, khi đã hình thành nên thói quen, việc từ bỏ điều gì đó là không đơn giản. Tuy nhiên, ở môi trường công sở, có những hành động, lời nói, thói quen tưởng chừng vô hại nhưng lại gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự nghiệp của các bạn. Vậy nên, qua những chia sẻ trên đây, hy vọng rằng những ai đang mắc phải các thói quen này, hãy nhanh chóng từ bỏ nhé!