Công việc có thể mang lại rất nhiều cảm xúc cho chúng ta (vui, buồn, thất vọng,…). Tuy nhiên, là một nhà quản lý, chắc chắn bạn không muốn thấy bất kỳ ai rơi nước mắt ở công ty?
Bạn đang đọc: Nhân viên khóc ở công ty: Nhà quản lý nên làm gì?
Bạn đã từng chứng kiến nhân viên của mình bật khóc ngay tại văn phòng và bạn hi vọng điều đó không xảy ra thêm một lần nào nữa? Nhưng phải làm thế nào? Dưới đây là một số điều bạn có thể làm.
Bước 1: Tìm hiểu nguyên nhân khiến nhân viên khóc tại nơi làm việc
Nước mắt thường là dấu hiệu cho thấy một ai đó đang cảm thấy rất buồn. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là “vỏ bọc” cho những cảm xúc khác, chẳng hạn như thất vọng, tức giận, cảm giác bất lực, lo lắng, tự ti hoặc hình ảnh tiêu cực về bản thân.
Nhiều lý do có thể khiến một người rơi nước mắt, nhưng dưới đây là 3 tình huống phổ biến nhất:
Người quản lý đáng gờm
Thật tốt khi được thăng chức, tuy nhiên, nhiều quản lý mới bị trách nhiệm đè nặng và trở thành một người “đáng gờm” nơi công sở. Tôi biết không ít người vì muốn thể hiện năng lực mà đặt ra những mục tiêu “vượt tầm với” và buộc nhân viên phải thực hiện điều họ mong muốn. Họ gây áp lực với nhân viên bằng cách tạo ra nỗi sợ (trừ lương, cắt thưởng, đuổi việc,…) và nhân viên của họ bật khóc vì kiệt sức.
Một số người khác quát nạt cấp dưới mỗi khi căng thẳng; vài người thậm chí còn sử dụng những từ ngữ thô tục, xúc phạm nhân phẩm, gia đình đối phương.
Văn hóa tổ chức và sự khác biệt
Giống như gia đình, trường học, tỉnh thành, đất nước,… mỗi nơi làm việc có văn hóa riêng biệt. Nếu bạn là một người quản lý mới, cấp dưới có thể chưa quen và cảm thấy buồn bã, căng thẳng với cách thức ứng xử của bạn.
Tại nhiều công ty, việc nhận xét một cách thẳng thắn là hoàn toàn bình thường (thậm chí đáng tuyên dương). Nhưng một vài tổ chức khác có thể không như thế. Nhân viên của bạn có thể mong đợi những lời nhận xét khéo léo và thận trọng hơn.
Cuộc sống cá nhân giao thoa với công việc
Không phải lúc nào mọi người cũng nói ra những khó khăn mà họ phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Một người bật khóc khi bạn cho biết cô ấy/ anh ấy không đạt KPI để nhận thưởng có thể không buồn vì không hoàn thành công việc mà cảm thấy cuộc sống đang dần trở nên tồi tệ hơn.
Rất có thể nhân viên của bạn được chẩn đoán mắc một căn bệnh nghiêm trọng, trải qua sự mất mát (bạn thân hoặc thành viên trong gia đình),… Và nỗi buồn thoáng qua do không hoàn thành công việc chỉ là “cọng rơm cuối cùng đè chết con lạc đà”.
Bước 2: Lắng nghe
Tìm hiểu thêm: Tư duy đảo ngược hay lấp liếm?
Bất kể nguyên nhân khiến nhân viên của bạn rơi nước mắt tại văn phòng là gì, thì điều quan trọng là bạn cần cố gắng lắng nghe để hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Bạn nên tìm một nơi riêng tư, chẳng hạn như phòng họp hoặc văn phòng không có người, nơi bạn và nhân viên của mình có thể nói chuyện một cách an toàn. Hãy mời anh ấy/ cô ấy nhâm nhi một tách trà/ một ly cà phê; sau đó hỏi và lắng nghe vấn đề đang diễn ra.
Có thể mất một lúc để đối phương chia sẻ về câu chuyện họ đang trải qua, vì vậy, bạn nên kiên nhẫn.
Bước 3: Thấu cảm và đừng phán xét
Ngay cả khi bạn không thể hiểu nổi tại sao một người có thể rơi nước mắt tại công ty chỉ vì “chú mèo mới mất”, thì việc bạn cởi mở và đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương vẫn là điều nên làm. Đừng phán xét hay đưa ra những câu nói mang tính “dạy dỗ” như: “chỉ là chú mèo thôi mà, mèo già rồi sẽ mất”, “bạn có thể mua một chú mèo khác để nuôi”,… Điều bạn cần làm lúc này chỉ đơn giản là lắng nghe và trao đi ánh mắt ấm áp.
Bước 4: Xin lỗi (nếu cần thiết)
>>>>>Xem thêm: 7 văn hóa giao tiếp qua email bạn nên biết!
Nếu nguyên nhân khiến nhân viên của bạn bật khóc là do hành vi, thái độ của bạn; bạn nên xin lỗi. Hãy cho đối phương thấy rằng bạn hối hận về lời nói/ hành vi của mình và ảnh hưởng xấu của chúng. Và bạn cũng đừng quên cảm ơn chia sẻ thẳng thắn của họ và thể hiện thái độ sẽ thay đổi để trở nên tốt hơn.
Bước 5: Giúp đối phương giữ thể diện (nếu cần thiết)
Dù là nam hay nữ, bất kỳ ai cũng cảm thấy xấu hổ khi rơi nước mắt ở văn phòng. Và nếu bạn là nguyên nhân dẫn đến những giọt nước mắt đó, hãy giúp đối phương giữ thể diện bằng cách đưa ra lời xin lỗi công khai (nếu nhân viên của bạn đồng ý).
Bạn cần chứng minh cho nhóm của bạn thấy rằng đây là nơi làm việc mà không ai cần phải rơi nước mắt.
Bước 6: Cùng nhau thay đổi
Như tôi đã nói, sự khác biệt về văn hóa, hành vi đối xử cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mi của một ai đó ở văn phòng. Trong trường hợp này, bạn và nhân viên của mình cần nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn để thấu hiểu nhau. Mỗi người nên “lùi lại một bước”, cùng nhau thay đổi để hòa hợp hơn.
Trên đây là 6 bước mà bạn nên thực hiện nếu không muốn chứng kiến cảnh nhân viên khóc tại công ty thêm bất kỳ một lần nào nữa. Blogvieclam.edu.vn chúc nhóm/ công ty của bạn trở thành một nơi làm việc hạnh phúc với những người lao động luôn nở nụ cười trên môi.