Số năm làm việc, khả năng chuyên môn, hay thành tích trong công việc là các yếu tố cần để bạn có thể thăng tiến. Nhưng như vậy là chưa đủ. Điều quan trọng là bạn cần trang bị tư duy và kỹ năng lãnh đạo từ sớm để đảm nhiệm những vị trí cao hơn trong tương lai.
Bạn đang đọc: Làm gì để sớm được đề bạt lên vị trí quản lý?
Sau nhiều năm phỏng vấn và đề bạt nhiều nhân viên lên vị trí quản lý, Linh rút ra được 2 yếu tố quan trọng mà các bạn cần trau dồi từ sớm.
Tìm hiểu thêm: 10+ Phần Mềm Kế Toán Thông Dụng Và Tốt Nhất 2024
>>>>>Xem thêm: 6 thói quen sống lành mạnh bạn phải biết
1. Biết chịu trách nhiệm trong công việc
Chính trị gia người Anh Winston Churchill có một câu nói mà Linh rất thích: “Cái giá của sự vĩ đại là trách nhiệm”. Trên thực tế, không phải đợi đến khi trở thành một người quản lý thì bạn mới cần chú trọng đến yếu tố này. Dù bạn đang ở vị trí nào thì bạn cũng cần biết chịu trách nhiệm cho công việc của mình. Khác biệt ở đây chính là trách nhiệm ở từng vị trí mà bạn đảm nhiệm. Vị trí càng cao, trách nhiệm sẽ càng lớn. Vậy nên điều đầu tiên bạn cần trang bị cho mình khi muốn thăng tiến lên vị trí cao hơn là mở rộng khả năng chịu trách nhiệm của mình trong công việc.
1.1 Xác định được phạm vi công việc
Để có thể chịu trách nhiệm tốt trong công việc, bạn cần xác định được phạm vi công việc của mình và cả những hạng mục khác liên quan. Ví dụ nhiệm vụ của bạn là A. Nhưng để hoàn thành A bạn phải cần làm B hay làm C, thì bạn cần phải cấu trúc được hết những công việc mà mình phụ trách như vậy.
1.2 Biết rõ kết quả cần đạt
Sau khi xác định được phạm vi công việc của mình, bạn cần phải hiểu biết rõ về kết quả mình cần đạt với công việc đó. Bạn có thể tự tìm hiểu và phân tích dựa trên các đầu mục nhiệm vụ hay trao đổi với sếp, với người quản lý cao hơn để nắm rõ điều này. Vì chỉ khi bạn biết rõ mình cần đạt được điều gì, bạn mới có thể lên kế hoạch chi tiết để bắt tay vào thực hiện nó.
Bên cạnh đó, tư duy về cách hoàn thành công việc cũng sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt trong mắt cấp trên và những người xung quanh. Theo kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở các vị trí quản lý của Linh, bạn không nên chỉ hoàn thành công việc của mình. Vì đó là trách nhiệm của bạn, bạn hiển nhiên cần phải hoàn thành nó. Muốn tạo nên sự khác biệt, bạn cần phải tìm cách tự động hóa quy trình để hoàn thành công việc nhanh hơn và cho kết quả tốt hơn. Điều đó có nghĩa là, bạn không nên giới hạn bản thân trong những mô tả công việc ban đầu, hãy chủ động suy nghĩ và tìm tòi nhiều hơn để có một kết quả tốt.
1.3 Đối mặt với sự cố
Dù là trong cuộc sống hay công việc thì vẫn luôn có những vấn đề không như ý phát sinh. Khi sự cố xảy đến, hãy nhớ rằng bạn là người chịu trách nhiệm cho công việc của mình. Vậy nên điều đầu tiên bạn cần làm khi có vấn đề xảy ra là tự rà soát lại quy trình làm việc của bản thân xem mình đã phạm phải sai lầm ở đâu. Tiếp theo, hãy đi tìm nguyên nhân và giải pháp để giải quyết sự cố đó.
Tuỳ thuộc vào vấn đề là gì, đang gây ra thiệt hại thế nào mà chúng ta có thể linh hoạt thay đổi thứ tự các bước giải quyết. Ví dụ, đối với một sự cố cần xử lý gấp thì bạn phải ưu tiên tìm cách giải quyết trước, xong rồi mới bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân. Nhưng dù bạn chọn đối mặt với vấn đề theo hướng nào, sau cùng bạn vẫn luôn cần rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. Đó là giá trị tích cực nhất mà bạn có thể thu nhặt được sau mỗi sự cố trong công việc. Bằng cách đó, bạn sẽ hạn chế được những sai sót hoặc giải quyết vấn đề tương tự nhanh chóng hơn trong tương lai.
2. Có tinh thần chủ động
Chủ động không chỉ là một kỹ năng quan trọng giúp bạn làm việc hiệu quả mà còn thể hiện thái độ và tinh thần hứng khởi của bạn đối với công việc. Dưới đây là 3 cách cho thấy bạn là người chủ động trong công việc:
2.1 Thường xuyên đóng góp ý kiến
Nghiên cứu về các vấn đề, dự án của công ty và đóng góp ý kiến trong các cuộc họp là một cách bạn thể hiện sự chủ động của mình. Dù đó là vấn đề nằm trong hay ngoài phạm vi công việc của bạn, hãy luôn chủ động tìm tòi và phát biểu. Bằng cách đó bạn đang nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của mình và bạn sẵn sàng hỗ trợ với bất kỳ vấn đề nào của công ty.
Một nguyên tắc phát biểu mà Linh thường chia sẻ với các bạn đó là nguyên tắc số 3. Nghĩa là bạn không nên để 3 buổi họp trôi qua mà bạn chưa một lần phát biểu. Khi bạn đang hướng tới những vị trí cao hơn thì bạn có thể vượt qua số 3 này tuỳ vào nội dung cuộc họp. Tuy nhiên bạn hãy chú ý đến chiều sâu trong bài phát biểu của mình, đảm bảo nó thật sự có giá trị đóng góp hữu ích.
2.2 Hỗ trợ công việc cho đồng nghiệp hoặc đội nhóm khác
Việc sẵn sàng trợ giúp đồng nghiệp hay các nhóm khác khi cần thiết là một cơ hội cho bạn mở rộng kinh nghiệm và vòng kết nối của mình. Đây cũng là một điểm cộng cho bạn với cấp trên khi bạn luôn trong tư thế sẵn sàng học hỏi và không ngại việc. Đồng thời khi bạn rơi vào tình huống bị quá tải công việc, mọi người cũng sẽ sẵn sàng giúp đỡ lại bạn.
2.3 Trau dồi kỹ năng lãnh đạo
Linh biết có nhiều bạn tự tin mình có thể làm việc ở cấp quản lý hay vị trí lãnh đạo vì đã làm thuần thục công việc ở phòng ban đó trong nhiều năm. Tuy nhiên điều này là chưa đủ, nếu không muốn nói rằng nó còn cách vị trí lãnh đạo thực thụ một khoảng cách xa. Vì một người lãnh đạo ngoài kỹ năng chuyên môn, còn cần thiết phải có khả năng quản lý con người. Nhưng đây không phải là kỹ năng có thể học được trong một sớm một chiều.
Vậy nên ngay khi đang hướng tới những vị trí cao và có phạm vi quản lý những bạn trẻ hơn (như là các bạn thực tập sinh), bạn có thể trau dồi 3 yếu tố sau ngay từ bây giờ để phát triển khả năng lãnh đạo của mình. (1) Bạn cần biết cách phân chia nhiệm vụ phù hợp với khả năng và điểm mạnh của từng thành viên. (2) Bạn phải xác định được hạn cuối (deadline) phù hợp với tính chất công việc, đảm bảo không chậm tiến độ, đồng thời không lãng phí nguồn lực. (3) Bạn cần có tinh thần kết nối, chủ động giúp đỡ các thành viên khác khi có vấn đề phát sinh.
Chính khách người Anh Benjamin Disraeli từng phát biểu: “Bí quyết của thành công là luôn sẵn sàng khi cơ hội đến.” Và nếu bạn muốn trở thành một người quản lý giỏi, thì từ “sẵn sàng” ở đây không chỉ đơn thuần là kỹ năng chuyên môn mà còn bao gồm cả tư duy của bạn. Khi bạn trang bị đủ cho mình hai yếu tố trên, cơ hội thăng tiến sẽ nhanh chóng tìm đến. Nhiệm vụ của bạn lúc này chỉ đơn giản là tự tin nắm bắt nó mà không cần đắn đo về khả năng của mình.
Tác giả: Thái Vân Linh