Chốn công sở được xem là một xã hội thu nhỏ với rất nhiều kiểu người khác nhau. Đặc biệt, để tồn tại được trong môi trường này, chúng ta tuyệt đối không nên “nhìn mặt mà bắt hình dong”, quá tin tưởng người khác. Có những đồng nghiệp luôn tỏ ra tốt bụng, thân thiện nhưng rất có thể bên trong lại xấu tính, là gián điệp chuyên đi mách lẻo. Vậy làm sao để đối phó với những gián điệp chốn công sở? Bài viết này của Blogvieclam.edu.vn sẽ bật mí cho các bạn.
Bạn đang đọc: Gián điệp chốn công sở: Khi cáo già đội lốt nai tơ, làm sao để đối phó?
Nhận biết gián điệp chốn công sở
Đã là gián điệp thì chắc chắn sẽ không dễ dàng để lộ manh mối. Thế nhưng, trong môi trường công sở, các bạn hãy chú ý và đề phòng với một số đối tượng dưới đây:
Bà tám “ngồi lê mách chuyện”
Bà tám công sở – nhân vật dường như không thể thiếu ở bất kỳ công ty nào. Đây là kiểu người mà điều gì cũng hóng, cũng muốn biết và “lan tỏa” cho cả thế giới. Khi buôn chuyện với 1 người, có thể họ sẽ tỏ ra kín tiếng nhưng chỉ cần có 2, 3 người trở lên thì họ sẽ rất hào hứng, hí hửng để kể hết mọi thứ. Thậm chí, họ còn sẵn sàng phóng đại câu chuyện lên để gây sự tò mò, kích thích người nghe.
Với kiểu bà tám này, khi mới tiếp xúc, bạn sẽ cảm thấy họ khá vui vẻ, thú vị, dễ dàng chia sẻ nỗi niềm trong công việc cũng như cuộc sống. Thế nhưng, đôi khi bạn sẽ thấy sự tò mò của họ là phiền phức, bạn không hiểu tại sao chuyện của mình lại lọt đến tai của người thứ 3, thứ 4 hay thứ N. Riêng với những đồng nghiệp này, tốt nhất bạn bên kín tiếng, cẩn thận hơn về mọi thông tin. Nếu có thể, hãy dừng mối quan hệ ở mức xã giao, không thù ghét nhưng cũng không thân thiết.
Chuyên gia “nói xấu sau lưng”
Một dấu hiệu để nhận biết được gián điệp chốn công sở là kiểu đồng nghiệp hay nói xấu sau lưng. Những người sống 2 mặt sẽ thường có xu hướng kể xấu sau lưng người khác, nhất là đối tượng được sếp yêu quý, đánh giá cao. Tuy nhiên, trước mặt bạn thì họ sẽ tỏ ra rất bình thường, vui vẻ, ngưỡng mộ, như không hề có sự ghen ghét, đố kỵ nào. Họ sống trong sự “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, không tiếc lời để chê bai, chỉ trích bạn ở sau lưng, thậm chí là đặt điều, lan truyền thông tin không đúng sự thật.
Thích đùn đẩy trách nhiệm nhưng nhận lấy công lao
Một kiểu người nữa cũng dễ là gián điệp chốn công sở chính là người thích đùn đẩy công việc nhưng hay nhận lấy công lao về mình. Trong quá trình cộng tác, làm việc nhóm, những người này thường chỉ nhận nhiệm vụ dễ thực hiện, việc khó lại đẩy sang cho đồng nghiệp khác. Nếu như dự án đạt kết quả tốt, thành công thì họ sẽ nhận hết thành quả, công lao, thể hiện như mình đã làm tất cả trước lãnh đạo. Ngược lại, nếu có lỗi lầm, sai sót gì thì họ lại đổ cho người khác.
Thông thường, kiểu người này sẽ tập trung vào các trưởng nhóm, người có trọng trách lớn nhất và làm việc thường xuyên với sếp. Khi thành viên trong nhóm có đề xuất gì, có thể họ sẽ nhận là của mình và trình bày riêng với sếp. Như vậy, “không làm mà vẫn có ăn” là có thật, có rất nhiều ở môi trường công sở.
Làm sao để đối phó với gián điệp chốn công sở?
Khi đi làm, bạn chắc chắn sẽ không thể tránh được kiểu người gián điệp chốn công sở, thậm chí chính bạn là nạn nhân trong các câu chuyện xảy ra. Vậy làm sao để đối phó được với kiểu người này?
Liên kết với các công việc mới
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để đối phó với gián điệp nơi công sở chính là chuyển sang một mối liên kết mới. Ví dụ như khi đồng nghiệp có ý định buôn với bạn về tin đồn trong công ty, bạn nên có thái độ nhã nhặn, vừa phải, đồng thời liên hệ ngay đến công việc. Bạn có thể trả lời họ là “À vâng, tôi có nghe đến việc đó. Nhưng dự án này đang cần gấp, chúng ta cần phải hoàn thành trong hôm nay”.
Thường thì 1 – 2 lần tiếp cận bạn không được, những đồng nghiệp này sẽ hiểu ý và không cố gắng để kể lể với bạn mọi chuyện nữa. Và tất nhiên, càng ít buôn chuyện thì sẽ càng tránh được khoảnh khắc “lỡ miệng” mà nói ra thông tin quan trọng của bản thân.
Tìm hiểu thêm: 10 Cách trả lời câu hỏi “Bạn muốn hỏi tôi điều gì?” hay “Bạn có muốn hỏi câu hỏi gì không?”
Lịch sự, thẳng thắn trao đổi
Đối phó với gián điệp tại nơi làm việc luôn là vấn đề rất nan giải. Tuy nhiên, nếu thông tin họ tiết lộ ra không gây ảnh hưởng xấu, không làm hại đến bạn thì hãy bỏ qua, tiếp tục tập trung vào công việc. Còn nếu như họ có ý đồ, gây tổn hại đến uy tín, công việc, sự nghiệp của bạn thì nên đối diện trực tiếp, thẳng thắn trao đổi nhưng ở mức lịch sự, tiết chế cảm xúc.
Tốt nhất, bạn nên hẹn gặp riêng để nói chuyện, hỏi về ý kiến của người đó như thế nào về những vấn đề vừa xảy ra với bạn. Ví dụ như “Tôi không chắc chuyện này là đúng nhưng tôi có nghe từ nhiều nguồn khác nhau rằng bạn đã kể chuyện cá nhân của tôi cho sếp biết. Vậy điều đó có mang lại lợi ích gì cho bạn không?”.
Sau khi đã trao đổi thẳng thắn, bạn cũng nên để cho đồng nghiệp có thời gian suy nghĩ, nói về chuyện của họ. Điều quan trọng là bạn không được phản ứng quá mạnh, giận dữ và mắng chửi người đó.
Bảo mật các thông tin quan trọng
Thực tế thì gián điệp sẽ chỉ có được thông tin nếu bạn hay người khác tiết lộ ra bên ngoài. Những người làm gián điệp thường xây dựng được mối quan hệ rộng rãi, họ có thể gặp bất kỳ ai để nói chuyện và khai thác bí mật. Càng “moi móc” được nhiều thông tin thì cuộc sống của họ càng vui vẻ, thú vị. Do đó, cách để tránh điều này chính là bạn cần bảo mật thông tin quan trọng, đừng có chuyện gì cũng kể ra cho mọi người. Đây là bí quyết để bạn tồn tại được trong môi trường công sở đầy rẫy những drama đấy nhé.
Bố trí thêm nhiều việc hơn
Gián điệp không chỉ là mối lo ngại của các nhân viên mà bản thân sếp cũng khá dè chừng. Người có tính buôn chuyện, mách lẻo thì bất cứ thông tin gì họ cũng sẽ dễ dàng tiết lộ. Từ cuộc sống cá nhân, gia đình đồng nghiệp đến chuyện công việc, kế hoạch công ty,… Do đó, những người làm lãnh đạo cũng cần có phương án để đối phó với kiểu người như vậy.
Có thể thấy, khi có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, nhân viên sẽ tụm 5 tụm 3 để bàn tán, hóng hớt chuyện nọ chuyện kia. Điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hiệu suất công việc. Các nhà lãnh đạo cần phải cân nhắc để bố trí cho nhân viên nhiều việc hơn, tăng độ khó, thử thách hoặc đơn giản là để cho những đối tượng có khả năng là “gián điệp” này làm việc ở phòng riêng. Như vậy, họ sẽ không có ai tiếp chuyện, không có thời gian để “lo chuyện bao đồng” nữa.
>>>>>Xem thêm: Sử dụng điện thoại di động tại văn phòng thế nào cho “sang”?
Chốn công sở với biết bao kiểu người khác nhau. Có những người giúp công việc, cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn. Thế nhưng cũng có những người xấu tính, gây tổn hại và không ngại hạ bệ người khác. Và dù là kiểu người nào, bạn cũng khó có thể tránh khỏi, điều quan trọng là trong mỗi trường hợp, tình huống, bạn giữ được bình tĩnh, tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất. Hy vọng qua những chia sẻ trên đây của Blogvieclam.edu.vn, bạn đọc sẽ nắm được bí quyết để đối phó với kiểu người “gián điệp chốn công sở” nhé.