Tìm hiểu thêm: Làm thế nào để tạo thêm nhiều mối quan hệ tích cực trong công việc?
>>>>>Xem thêm: Mô tả công việc Phiên dịch viên tiếng Anh
Bạn đang đọc: Yêu cầu ứng viên sao kê lương, đúng hay sai?
Gần đây có khá nhiều ý kiến về sao kê lương. Quan điểm của mình trước tới giờ đều rất cứng rắn và nhấn quán với vai trò vừa là HR vừa là ứng viên:
1. Giá trị của mỗi vị trí ở các tổ chức là khác nhau. Việc trả lương phụ thuộc rất nhiều yếu tố chứ không riêng mức lương. Thậm chí cùng ngành nghề, quy mô thì giá trị vị trí cũng không giống nhau.
Bạn có thể là ngôi sao ở công ty cũ nhưng qua công ty mới thì không chắc. Nhưng nhiều bạn tỏa sáng ở công ty mới nhờ được đầu tư về công nghệ, công cụ, phương tiện, văn hóa, quản lý, đào tạo…liên tục…Vì thế, lương có thể cao hơn.
2. Nên tìm hiểu và trao đổi nhiều hơn về công việc, cơ hội phát triển.
Trong đó, nên làm rõ mức lương mong đợi ngay từ những bước đầu tiên của quá trình tuyển dụng. Không nên đợi đến lúc gần gửi offer mới đàm phán về lương.
Bản thân các HR đều biết về khung lương, bậc lương có thể trả nên sau khi tìm hiểu mà quá chênh lệch thì đừng làm mất thời gian của hai bên.
3. HR là người yêu cầu nhân viên bảo mật thông tin lương.
HR cũng ký cam kết này nhưng yêu cầu được biết lương người khác. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn. Trước khi là HR thì cũng là ứng viên, vì thế, hãy công bằng.
4. Lòng tin về năng lực không phải đến từ sao kê lương mà đến từ cách thức trao đổi, chia sẻ và năng lực đánh giá của Nhà tuyển dụng.
5. Ứng viên có quyền từ chối cung cấp thông tin ngoài quy định của pháp luật ngay cả khi quan hệ lao động đã được thiết lập.
Có nhiều cách để biết mức lương trên thị trường, việc khai thác thông tin qua sao kê là không phù hợp. Thậm chí, không phải Chủ doanh nghiệp nào cũng yêu cầu việc này.
6. Thói quen không hỏi chi tiết về lương khi là HR
Mình rất ít khi hỏi ứng viên về mức mức lương ở công ty cũ. Thay vào đó, tìm hiểu sâu về mong đợi, sự phù hợp về năng lực và văn hóa giữa ứng viên và công việc sắp tới. Lương đôi khi không phải là yếu tố then chốt nhất.
Mình cũng biết được một tỷ lệ lớn các ứng viên dù tốt nhưng đã từ chối công việc vì sao kê lương. Do vậy, kết quả làm việc của HR bị ảnh hưởng. Đó là điều mà các HR có muốn thấy hay không?
Đã từng là ứng viên và cũng là HR, mình mong hãy cân nhắc kỹ khi yêu cầu sao kê lương đối với ứng viên!
Năm 2019, mình từ chối một vị trí Country Head về Tuyển dụng cho một nhãn hàng lớn vì họ yêu cầu phải sao kê lương. Năm 2021, mình tiếp tục từ chối một đơn vị Headhunter vì họ yêu cầu ứng viên phải gửi sao kê lương cho khách hàng xét duyệt. Năm nay, mình cũng lại từ chối thêm một đơn vị nữa vì trong quy trình tuyển dụng yêu cầu ứng viên sao kê 3 tháng lương gần nhất.
Trường hợp bạn ứng tuyển và bắt buộc phải sao kê lương, hãy để lại comment (bình luận) bên dưới để mọi người cùng biết.
Tác giả: Bùi Đoàn Chung