Một chú lạc đà sinh ra thuộc về sa mạc nhưng lại sống trong sở thú. Bạn có đang làm việc tại một nơi “không thuộc về mình”? Đâu là những tiêu chí giúp bạn lựa chọn được một công việc, một công ty phù hợp với bản thân?
Bạn đang đọc: “Chú lạc đà trong sở thú” và câu chuyện chọn việc
1.“Chú lạc đà trong sở thú”
Câu chuyện kể về 2 mẹ con lạc đà trong sở thú. Lạc đà con hay tò mò, một ngày nọ chú hỏi mẹ một câu:
- Lạc đà tại sao lại có bướu hả mẹ?
- Vì chúng ta là động vật sa mạc, nên cần có bướu để giữ nước con à. – Lạc đà mẹ trả lời
- Vậy sao chân mình dài thế hả mẹ?
- Đó là đôi chân giúp chúng ta di chuyển trên sa mạc đáy con yêu, nó tốt hơn bất kỳ loại phương tiện nào.
- Thế tại sao lông mi của chúng ta lại dài như vậy hả mẹ? Nó cứ cọ vào mắt khiến con rất khó chịu.
- Lông mi dài để giúp chắn gió cát sa mạc con à. – Lạc đà mẹ vẫn ân cần đáp
- Ah, con hiểu rồi, bướu để trữ nước, chân dài để đi nhanh, mi mắt dài để chắn gió cát,… Thế chúng ta đang làm gì ở sở thú vậy mẹ?
Bạn có bật cười khi đọc câu chuyện trên không? Khi đọc câu chuyện trên, tôi liền nhớ đến các cháu mình, những đứa trẻ đôi khi có những câu hỏi khiến người lớn thật khó trả lời. Thế nhưng, từng câu hỏi ngây ngô mà thực tế ấy lại dạy chúng ta 2 bài học lớn trong cuộc sống này: Thứ nhất là tiềm năng của bản thân và thứ hai là những khuôn mẫu bó buộc con người.
Bài học thứ nhất về tiềm năng của bản thân: Tất cả chúng ta đều có những thế mạnh của bản thân mình, không ai là vô dụng cả. Vấn đề ở đây là bạn có nhận ra và tận dụng được thế mạnh đó hay không. Lạc đà con sẽ mãi nghĩ đôi bướu của mình cồng kềnh, đôi chân của mình xấu xí hay đôi lông mi dài khó chịu nếu chú không được mẹ giải thích. Đừng ghét bỏ bất cứ điều gì ở bản thân bạn. Mỗi chúng ta sinh ra đều mang một ý nghĩa đặc biệt, hãy sống và khiến bản thân trở nên ý nghĩa hơn.
Bài học thứ hai về khuôn mẫu kìm hãm con người: Cũng giống như “chú lạc đà trong sở thú”, mỗi chúng ta đều phải đối mặt với những khuôn mẫu trong cuộc sống này. Sở thú đã kìm hãm những tố chất tuyệt vời của một chú lạc đà, vậy những khuôn mẫu trong cuộc sống có đang kìm hãm tài năng của bạn hay không?
2.Bạn có đang làm việc tại một nơi “không thuộc về mình”?
Nhiều bạn trẻ hiện nay thường xuyên gặp phải tình trạng “chán việc”. Cuộc sống, sự nghiệp hiện tại không giống với mong đợi của bạn, và bạn không thể làm tốt như bạn vẫn nghĩ. Vậy hãy nhớ lại ngày đầu tiên khi bạn ứng tuyển vào công ty, tại sao bạn lại chọn công ty này?
Công việc này có giúp bạn phát huy được năng lực bản thân hay không?
Nơi bạn đang làm việc luôn giao cho bạn những công việc nhàm chán. Những công việc bạn đang làm không phải chuyên môn của bạn. Những ý kiến sáng tạo của bạn trong công việc không được công nhận. Bạn đang phải “đấu tranh” mỗi ngày với công việc bạn không thể làm tốt, hay đơn giản là bạn làm cho xong. Khi phải đối mặt với những vấn đề này trong một khoảng thời gian dài, và tình hình mãi không thể cải thiện, thì bạn nên suy nghĩ về tính phù hợp của công việc hiện tại đối với bản thân.
Những khuôn mẫu có đang khiến bạn đưa ra lựa chọn sai lầm?
Bạn lựa chọn nghề nghiệp và nơi làm việc dựa trên danh tiếng và mức lương, và những rào cản đó khiến bạn mãi không muốn chuyển đổi công việc vì những khuôn mẫu xã hội. Khi những suy nghĩ đó xuất hiện trong đầu, bạn nên quay lại câu hỏi đầu tiên ở trên: Công việc này có đang khai phá được tiềm năng trong bạn? Hay môi trường làm việc đang kìm hãm bạn.
Trên thực tế, có rất nhiều lý do để chúng ta lựa chọn một công việc. Hơn nữa, vì cuộc sống không hề dễ dàng, việc bạn “gượng ép” theo đuổi một công việc là điều thường xuyên diễn ra với nhiều người. Tuy nhiên, những câu hỏi ở trên được đặt ra không phải để yêu cầu bạn xem xét vấn đề “nhảy việc”. Tất cả những vấn đề đó được đưa ra để nhắc nhở bạn rằng: Hãy nghĩ về những tiềm năng bên trong bạn, và đừng bỏ qua những cơ hội để công việc của bạn trở nên tuyệt vời hơn. Khi bạn nhìn thấy cơ hội cho bản thân, đừng bỏ qua vì những suy nghĩ thiệt mất, hãy chỉ đơn giản là suy xét xem nó có hợp lý hay không và đưa ra quyết định một cách khách quan nhất. Đôi khi những cơ hội sẽ tạo ra những điều tuyệt vời cho cuộc sống của bạn.
Tìm hiểu thêm: CIO Là Gì? Tổng Hợp Thông Tin Quan Trọng Nhất Về CIO
3.Những tiêu chí nào giúp bạn tìm được một công việc phù hợp?
Vấn đề “nhảy việc” là chuyện không ai trong chúng ta mong muốn, có thể gắn bó và ổn định ở một công ty là mục tiêu ai cũng mong muốn. Vậy, để tránh việc phải “nhảy việc”, tại sao bạn không cẩn thận ngay từ lựa chọn đầu tiên? Bạn đã bao giờ tự hỏi: tại sao mình chọn công việc này hay chưa?
Công việc có phù hợp với năng lực của bạn hay không?
Trước khi nghĩ đến công việc, hãy tự hỏi bản thân về điểm mạnh và tiềm năng của bạn. Bên cạnh vấn đề chuyên môn, những yếu tố này sẽ giúp bạn chọn được một công việc và vị trí phù hợp với bản thân mình. Ví dụ như bạn học về Marketing, trong khi đó khối ngành Marketing thì bao la là nghề để bạn lựa chọn. Nếu bạn là người thích viết lách và công việc ít di chuyển, bạn có thể chọn Content. Còn nếu có lợi thế năng động, linh hoạt, thích “bay nhảy” thì bạn có thể lựa chọn nghề tổ chức sự kiện. Nghe thì có vẻ khá đơn giản, nhưng nhiều bạn thường bỏ qua vấn đề này khi tìm việc. Các bạn ứng tuyển toàn bộ các công việc liên quan mà không có mục tiêu cụ thể, trúng tuyển ở đâu làm ở đó. Chính sự “dễ dãi” này dẫn đến việc không đạt được kỳ vọng sau đó. Hãy nhìn nhận thế mạnh của mình và tập trung vào nó. Hãy ứng tuyển những vị trí phù hợp với bản thân trước tiên.
Môi trường làm việc có phù hợp với bạn hay không?
Nhiều bạn có thể cho rằng vấn đề này khó mà nắm bắt được, nhưng không hoàn toàn là vậy. Bạn không cần quá đặt nặng vấn đề phải tìm hiểu thật chi tiết. Hãy bắt đầu bằng những điều kiện xung quanh cơ bản như thời gian làm việc, hay những yêu cầu của công ty dành cho vị trí bạn đang ứng tuyển,… Những tiêu chí cơ bản cần được đáp ứng để tạo động lực nền tảng giúp bạn hòa nhập với công việc tốt hơn.
>>>>>Xem thêm: Signing Bonus là gì? Tại sao doanh nghiệp đưa ra chính sách này?
Bạn có động lực nào để theo đuổi công việc này hay không?
Động lực là một yếu tố giúp bạn làm việc một cách nhiệt tình và hiệu quả hơn. Khi làm việc không có động lực, bạn sẽ dễ dàng chán, không chú tâm và dần dần sẽ làm việc một cách hời hợt, không có hiệu quả. Những khía cạnh này khiến bạn khó gắn bó với một công việc lâu dài, vậy nên hãy tìm kiếm một công việc mà bạn có động lực để theo đuổi. Động lực không nhất thiết phải là sở thích hay những điều thú vị, đôi khi những việc bạn làm tốt không phải là sở thích của bạn. Động lực đó có thể là công việc sở trường, công ty bạn yêu thích, hay đó là công việc mà một người có ảnh hưởng với bạn khuyên bạn nên làm, hoặc bạn có thể thăng tiến xa với công việc này,… Ngày nay thị trường việc làm Việt Nam ngày càng đa dạng với nhiều ngành nghề tiềm năng, vậy nên đừng cố gắng theo đuổi một công việc mà bạn không hề có động lực làm và gắn bó.
Tiềm năng của bản thân là khía cạnh mà bất kỳ ai cũng cần phải tìm hiểu. Đó là khía cạnh để bạn tìm kiếm cho mình một công việc và môi trường làm việc lý tưởng. Bạn có quyền làm chủ bản thân mình, và bạn không giống như “chú lạc đà”, vậy nên đừng khiến bản thân phải gò bó mình trong “sở thú” chật hẹp, làm lu mờ tiềm năng của bạn.