4.5/5 – (1 vote)
Bạn đang đọc: 4 chi tiết nhỏ làm nên buổi phỏng vấn thành công
Trước mỗi buổi phỏng vấn, nhiều bạn sẽ tập trung chuẩn bị kiến thức chuyên môn hay các kỹ năng nền tảng thường sử dụng trong việc. Dù vậy, phần lớn nhà tuyển dụng không chỉ đơn thuần đi tìm một người giỏi và nhiều năm kinh nghiệm. Thêm vào đó, họ cũng muốn đánh giá thái độ và phong cách làm việc của ứng viên khi phỏng vấn để tìm ra một mảnh ghép phù hợp với văn hoá công ty và có tiềm năng trở thành nhân viên xuất sắc ở vị trí đang tuyển dụng.
Với kinh nghiệm nhiều năm phỏng vấn các bạn ứng viên cho nhiều vị trí khác nhau, Linh đã đúc kết được 4 điều bạn cần ghi nhớ khi chuẩn bị cho buổi phỏng vấn thành công. Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn tự tin hơn trong hành trình chinh phục công việc mơ ước.
Tìm hiểu thêm: ĐÔI LỜI CHO CUỐI NĂM 2022!
>>>>>Xem thêm: Tiền đóng quỹ phòng chống thiên tai có được trừ khi tính thuế không?
1. Luôn thành thật trong buổi phỏng vấn
Khi tham gia một buổi phỏng vấn, chúng ta đều mong muốn trả lời hoàn hảo các câu hỏi của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, có lúc bạn không thể tránh khỏi việc đối diện với một vài câu hỏi không phải sở trường của mình. Trong tình huống này, lời khuyên của Linh là bạn nên trả lời một cách thành thật trong mức độ hiểu biết của mình về lĩnh vực đó. Kể cả khi bạn hoàn toàn chưa biết gì hay chưa có kinh nghiệm về chủ đề được hỏi, bạn cũng cần thẳng thắng nói ra điều đó cùng với thiện chí sẵn sàng tìm hiểu và học hỏi.
Trước đây, Linh có phỏng vấn một bạn. Trong phần lớn thời gian của buổi phỏng vấn, Linh đã rất ấn tượng với bạn ấy. Linh đã hỏi bạn về kinh nghiệm làm Marketing, về Digital Marketing, bạn ấy đã mô tả rất chi tiết từng chút một. Ví dụ như việc chạy quảng cáo cho một video sẽ bao gồm những phần nào, bạn đã giải thích rất rõ ràng. Linh đã rất ấn tượng với bạn, và chỉ với những kinh nghiệm đó Linh cũng sẵn sàng tuyển bạn rồi.
Nhưng Linh cũng hỏi thêm một câu hỏi để biết phạm vi công việc của bạn trước đây như thế nào. Linh thấy bạn rất giỏi về mạng xã hội (Social Media) nên đã hỏi bạn có kinh nghiệm xây dựng một trang web chưa. Đến lúc này, bạn hơi lúng túng và không được tự tin như khi trả lời những câu hỏi trước. Linh vẫn cảm thấy cũng không có vấn đề gì nếu bạn không biết về công việc đó, vì thực sự không có ai là chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực.
Sau đó bạn cũng cố gắng trả lời là em đã từng làm trang web và trình bày các bước nhưng không đủ sâu. Vì Linh đã có nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực thiết kế website nên Linh đã nhận ra một vài chi tiết chưa đúng khi nghe câu trả lời của bạn. Linh biết là bạn chưa từng làm công việc này và chỉ nghe mô tả lại trong các cuộc họp. Bởi vì việc nghe những bạn khác trình bày sẽ rất khác với việc bạn tự mình thực hiện.
Linh chia sẻ ví dụ trên để các bạn thấy rằng, thông qua những câu hỏi, người phỏng vấn chỉ muốn biết về những kỹ năng bạn đã có và khả năng học hỏi cũng như tinh thần cầu tiến của bạn đối với một công việc mới, một lĩnh vực mới. Bạn không nhất thiết phải đã làm tất cả các công việc được hỏi. Vậy nên khi gặp câu hỏi liên quan đến một công việc mà mình chưa có kinh nghiệm, bạn hãy cứ thành thật trả lời phỏng vấn đúng với hiểu biết của bản thân mình. Bên cạnh đó, hãy để người tuyển dụng thấy rằng bạn đang rất sẵn sàng để trải nghiệm và học hỏi.
2. Duy trì sự tự tin khi phỏng vấn
Đã có nhiều lần khi phỏng vấn ứng viên, Linh nhận thấy được sự nhút nhát và thiếu tự tin của các bạn khi ngồi đối diện. Dù bạn luôn cố gắng tỏ ra điềm tĩnh thì những dấu hiệu cơ thể cũng sẽ cho người đối diện thấy được sự lo lắng từ bạn. Không nhìn thẳng vào mắt của người phỏng vấn, ngồi không thẳng lưng, hay hai vai thấp xuống là một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi bạn đang thiếu tự tin.
Phần lớn chúng ta đều biết như vậy nhưng rất khó để có thể loại bỏ những dấu hiệu mất tự tin trên nếu bạn chưa từng luyện tập. Các bạn có thể thử các cách đơn giản sau để tăng thêm tự tin cho mình:
2.1 Đứng thẳng
Đứng thẳng là một trong những yếu tố quan trọng để thể hiện sự tự tin khi bạn bước vào phòng phỏng vấn. Vì điều đầu tiên mà người đối diện nhận thấy ở bạn chính là dáng đứng, trước khi cùng bắt đầu vào cuộc trò chuyện hay trao đổi thông tin khác.
Để có tư thế đứng thẳng tự tin khi đi phỏng vấn, bạn cần giữ thẳng lưng, vai ngã một chút về phía sau, mặt hướng thẳng về trước và cằm giữ cân bằng. Một lưu ý nhỏ là bạn nên thường xuyên luyện tập tư thế này để điều chỉnh độ ngã vai phù hợp. Vì khi vai quá ngã về phía sau sẽ dẫn đến tư thế không được tự nhiên và mất cân đối.
2.2 Giao tiếp ánh mắt
Linh biết có nhiều bạn sẽ cảm thấy ngại khi nhìn thẳng vào mắt của người đối diện. Một mẹo nhỏ để bạn có thể vượt tránh được cảm giác này chính là nhìn vào ấn đường (vùng giữa hai chân mày) của họ thay vì nhìn thẳng vào mắt. Khi bạn giao tiếp với ánh mắt ở vị trí này, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn, đồng thời người đối diện cũng sẽ cảm nhận được sự tương tác của bạn.
Một nguyên tắc giao tiếp bằng mắt khác mà Linh thường áp dụng là nguyên tắc 70/80. Theo đó, khi đang là người nói, bạn cần nhìn vào mắt của đối phương trong khoảng 70% thời gian mà bạn diễn đạt. Ngược lại khi bạn đang là người lắng nghe, bạn cần dành 80% thời gian để giao tiếp bằng mắt với người đối diện.
2.3 Ngồi đúng tư thế
Bạn sẽ ngồi trên ghế (thường là vị trí đối diện) trong hầu hết thời gian trao đổi với người tuyển dụng. Vì vậy, tư thế ngồi phỏng vấn cũng góp phần thể hiện sự tự tin, phong thái, và sự thoải mái của bạn xuyên suốt buổi trao đổi.
Theo kinh nghiệm của Linh, tư thế ngồi giúp chúng ta tự tin nhất là: Khi ngồi xuống, vịn hai tay vào thành ghế và ngồi sát vào trong (quá nửa ghế). Đây là vị trí lý tưởng để bạn thoải mái giao tiếp với người đối diện. Bạn có thể linh hoạt với các tư thế khác nhau ở vị trí này như hơi nghiêng về trước hay tựa vào lưng ghế mà vẫn đảm bảo sự tập trung và chuyên nghiệp.
Linh biết nhiều bạn thường nghĩ rằng ngồi sát mép ngoài của ghế sẽ rút gần khoảng cách với người đối diện hơn, thể hiện sự chú ý lắng nghe hơn. Tuy nhiên khi ngồi không hết phần lớn của ghế, bạn sẽ khó có thể thay đổi sang một tư thế thoải mái hơn. Bởi vì, điều chúng ta cần làm trong buổi phỏng vấn không chỉ là ngồi yên lặng, chăm chú lắng nghe, và trả lời câu hỏi. Chúng ta cần thể hiện được sự tự tin và thoải mái của mình. Đó chính là sự linh hoạt và tinh thần mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ở bạn.
3. Đi đến buổi phỏng vấn sớm thay vì đúng giờ
Nhiều năm về trước, khi tham gia các buổi phỏng vấn, Linh thường đến sớm hơn khoảng một tiếng. Sau đó Linh sẽ tìm một quán cà phê ở gần điểm hẹn để ngồi đợi, đến khi còn khoảng 20 phút nữa đến giờ thì Linh qua công ty phỏng vấn. Như vậy mình sẽ chủ động được thời gian và tránh trường hợp bị trễ vì các sự cố.
Không chỉ trong các buổi phỏng vấn mà với các cuộc họp hay gặp gỡ với đối tác quan trọng, bạn cũng cần nên đến sớm hơn giờ đã hẹn thay vì đúng giờ. Đó là giải pháp an toàn để bạn có thể tránh được những vấn đề phát sinh như xe cộ, giao thông, trang phục, hay địa điểm. Ngoài ra khi đi phỏng vấn sớm, bạn cũng có thời gian để kiểm tra lại hồ sơ và các thông tin cần thiết. Điều này sẽ giúp bạn tránh được cảm giác cập rập, lo lắng, và có tinh thần thoải mái hơn trước khi bước vào buổi phỏng vấn.
4. Chuẩn bị trước thông tin cần trình bày khi phỏng vấn
Hầu hết, các buổi phỏng vấn sẽ thường bắt đầu với câu hỏi: Hãy giới thiệu về bản thân của bạn. Vì vậy, việc chuẩn bị kỹ lưỡng câu trả lời cho câu hỏi này sẽ giúp bạn ghi được ấn tượng tốt đẹp đầu tiên với nhà tuyển dụng.
Một cách hiệu quả là bạn hãy cơ cấu hoá thật chi tiết câu trả lời phỏng vấn của mình trước: Bạn đã có bao nhiêu năm kinh nghiệm? Trong những năm kinh nghiệm đó bạn đã học được những kỹ năng chính nào? Ví dụ khi bạn đang phỏng vấn cho vị trí Marketing, bạn có thể trả lời: Em đã có 4 năm kinh nghiệm, đã làm rất nhiều dự án, hiểu biết sâu về Digital Marketing, Social Media, và SEO. Sau đó bạn sẽ chia sẻ về từng điểm chính nổi bật trong những kỹ năng bạn vừa trình bày. Để có thể hệ thống được thông tin trong khi trả lời câu hỏi như vậy, bạn cần liệt kê chi tiết những gì sẽ trình bày từ trước. Như vậy nhà tuyển dụng sẽ thấy được hiểu biết của bạn về chủ đề này và cả kỹ năng hệ thống hoá câu trả lời của bạn. Đó là nêu bật được trọng tâm và không kể quá lan man dài dòng.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chia sẻ thêm về các thông tin như bạn từng quản lý đội nhóm bao nhiêu người? Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ và tìm kiếm một công việc mới? Lý do khiến bạn cảm thấy bạn phù hợp với công ty mà bạn đang tham gia phỏng vấn?
Đó là “chân dung” một câu trả lời hiệu quả cho câu hỏi giới thiệu về bản thân. Để thuận lợi vượt qua câu hỏi này và để lại ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, bạn cũng cần tự tập luyện trước ở nhà.
Huyền thoại quần vợt người Mỹ Arthur Ashe từng nói: “Một chìa khóa quan trọng để thành công là sự tự tin. Chìa khóa quan trọng để có được sự tự tin là sự chuẩn bị.” Mong rằng với những gợi ý của Linh ở trên, cùng với nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng của mình, bạn sẽ có được sự chuẩn bị tốt và trở thành một thành viên mới của công ty bạn đang hướng đến.
Tác giả: Thái Vân Linh